Đục thủy tinh thể làm cho tầm nhìn bị mờ, giống như có lớp sương mù che phủ trước mắt hay cảm giác mắt đang phải cố gắng nhìn qua lớp kính mờ. Một số trẻ em sinh ra đã bị đục thủy tinh thể hoặc phát hiện bệnh đục thủy tinh thể từ rất sớm. Những trường hợp này gọi là bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh. Vậy đục thủy tinh thể bẩm sinh có chữa được không? là thắc mắc của rất nhiều người, hãy để chuyên gia của Wit-Ecogreen giải đáp cụ thể ngay sau đây.
Đục thủy tinh thể bẩm sinh là gì?
Đục thủy tinh thể bẩm sinh là tình trạng của thủy tinh thể của trẻ em khi mới sinh ra bị mờ đục. Tình trạng này bao gồm nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Một số trẻ sinh ra đã bị đục thủy tinh thể (đục thủy tinh thể bẩm sinh) hoặc một số trẻ phát triển đục thủy tinh thể trong 6 tháng đầu đời (đục thủy tinh thể ở trẻ sơ sinh). Trẻ em bị đục thủy tinh thể ở một mắt (đục thủy tinh thể đơn phương) hoặc cả hai mắt (đục thủy tinh thể song phương). Nếu trẻ bị đục thủy tinh thể một mắt, mắt còn lại sẽ có tầm nhìn tốt hơn mắt còn lại.
Đục thủy tinh thể bẩm sinh nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn
Những dạng đục thủy tinh thể bẩm sinh thường gặp
Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh được chia thành 4 dạng cơ bản:
Đục cực trước
Dạng này được xác định rõ ràng, nằm ở phần phía trước ống kính của mắt và thường có mối liên hệ với những yếu tố di truyền. Nhiều trường hợp đục thủy tinh thể cực trước nhỏ và không cần can thiệp phẫu thuật.
Đục cực sau
Đục thủy tinh thể cực sau là những vết đục được xác định rõ và nằm ở phía sau của ống kính của mắt.
Đục hạt nhân
Đục thủy tinh thể hạt nhân có nhân xuất hiện ở phần trung tâm của ống kính mắt và là một dạng đục thủy tinh thể bẩm sinh rất phổ biến.
Đục Cerulean
Dạng này thường gặp ở cả hai mắt và được phân biệt bằng các chấm nhỏ, hơi xanh trong ống kính. Thông thường, loại đục thủy tinh thể này hầu như không gây ra các vấn đề về thị lực.
Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh có chữa được không?
Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể chữa được, tuy nhiên sẽ gặp nhiều rủi ro hơn so với các bệnh thông thường. Đặc biệt, nếu bệnh không được phát hiện sớm có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
Gặp bác sĩ chuyên nhãn khoa càng sớm càng tốt khi có những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị đục thủy tinh thể
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc làm tan thủy tinh thể bị đục, do đó phương pháp duy nhất để điều trị là thay thủy tinh thể tự nhiên bằng thủy tinh thể nhân tạo (ống kính nội nhãn).
Phẫu thuật nên thực hiện sớm khi trẻ dưới 3 tháng tuổi nếu đục thủy tinh thể bẩm sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn cũng như sự phát triển của hệ thống thị giác của trẻ. Nếu trẻ bị đục thủy tinh thể đơn phương (đục thủy tinh thể một mắt) có thể xem xét thực hiện phẫu thuật ở khoảng 6 tuần sau sinh.
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể ở trẻ
Không giống như hầu hết các bệnh đục thủy tinh thể xảy ra khi lão hóa, bệnh đục thủy tinh thể xảy ra từ lúc mới sinh ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm các yếu tố như di truyền, nhiễm trùng, các vấn đề chuyển hóa, tiểu đường, chấn thương, viêm hoặc phản ứng thuốc. Cụ thể:
- Thuốc kháng sinh Tetracycline được sử dụng để điều trị nhiễm trùng ở phụ nữ mang thai có thể gây đục thủy tinh thể ở trẻ sơ sinh.
- Đục thủy tinh thể có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai nếu người mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng như sởi hoặc rubella (nguyên nhân phổ biến nhất), thủy đậu, cytomegalovirus, herpes simplex, herpes zoster, bệnh bại liệt, cúm, virus Epstein-Barr, giang mai và bệnh toxoplasma.
- Trẻ lớn hơn cũng có thể được chẩn đoán mắc đục thủy tinh thể có liên quan đến các chấn thương như một cú đánh vào mắt hay va đập mạnh vào mắt (tuy nhiên trường hợp này khá hiếm gặp).
Dấu hiệu nhận biết sớm của đục thủy tinh thể bẩm sinh
Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh nếu không phát hiện sớm có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Việc phát hiện sớm dấu hiệu bệnh để kịp thời điều trị làm tăng khả năng phục hồi thị lực cho trẻ. Khác với người lớn, trẻ sơ sinh thường không thể thông báo với phụ huynh về những vấn đề mà mắt đang mắc phải.
Do đó, để phát hiện sớm bệnh chuyên gia căn cứ vào các dấu hiệu như mắt không có ánh hồng khi chiếu đèn vào và soi thấy có ánh trắng trong mắt. Quan sát thấy đồng tử của một hoặc cả hai mắt xuất hiện đốm mây trắng, đặc biệt gia đình có tiền sử có người thân bị rối loạn di truyền, trẻ có thể mắc đục thủy tinh thể.
Ngoài ra, những trẻ lớn hơn, các dấu hiệu đục thủy tinh thể sẽ rõ ràng hơn như:
- Thị lực suy giảm: Trẻ thường quờ quạng, thị lực suy giảm thường tỷ lệ thuận với mức độ nặng của đục thủy tinh thể.
- Lóa mắt: Đục thủy tinh thể thường gây lóa mắt và gây khó chịu cho người bệnh. Dấu hiệu này thường gặp ở hình thái đục thủy tinh thể dưới bao sau.
- Lác mắt: Đây là tình trạng 2 mắt không nhìn thẳng được mà nhìn theo 2 hướng khác nhau. Và bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh là nguyên nhân khiến mắt bị nhược thị và lác mát.
Trẻ cần được khám tại các chuyên khoa mắt nhằm chẩn đoán và thực hiện các xét nghiệm để tìm nguyên nhân, các xét nghiệm đánh giá chức năng của mắt như đo thị lực, nhãn áp, điện võng mạc.
Suy giảm thị lực, lóa mắt là những dấu hiệu điển hình của bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ nhỏ
Phương pháp điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh
Hiện nay, hầu hết các trường hợp trẻ phát hiện bị đục thủy tinh thể đều do tình cờ hoặc nghi ngờ mắc các bệnh lý khác. Khi phát hiện bệnh thì đã muộn, việc khôi phục lại thị lực cho trẻ kém hiệu quả hơn so với những trường hợp được phát hiện sớm.
Do đó, phương pháp điều trị sẽ đem lại kết quả cao nếu trẻ được phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp, đặc biệt cần có sự kiên trì của bệnh nhân và sự phối hợp của gia đình.
Các loại thuốc như catacol, catarstat… chưa được khuyến cáo dùng cho trẻ em. Do đó tiến hành phẫu thuật sớm, khi có chỉ định là lời khuyên của các chuyên gia nhãn khoa để phòng nhược thị, lác, rung giật nhãn cầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp đục thủy tinh thể không ảnh hưởng quá nhiều đến thị lực thì không cần thiết phải phẫu thuật. Và tất nhiên nên lắng nghe lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa là tốt nhất.
Việc phẫu thuật đục thủy tinh thể bẩm sinh rất khác với việc phẫu thuật đục thủy tinh thể do tuổi tác gây ra. Ở người lớn, phẫu thuật có thể bị trì hoãn trong nhiều năm và không ảnh hưởng đến kết quả. Còn ở trẻ sơ sinh, nếu đục thủy tinh thể không được loại bỏ sớm (ở năm đầu đời), thị lực sẽ không bao giờ lấy lại hoàn toàn sau đó và có nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.
Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng rộng rãi là phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao, đặt thủy tinh thể nhân tạo và phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm sau đó đặt thủy tinh thể nhân tạo.
Một số biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể bẩm sinh trẻ nhỏ có thể gặp một số biến chứng như:
- Đục bao sau và capture thủy tinh thể nhân tạo (phần quang học của thủy tinh thể nhân tạo nằm ở phía trước mống mắt).
- Tăng nhãn áp
Do đó, để hạn chế biến chứng sau mổ, trong phẫu thuật bác sĩ thường cắt bao sau và cắt dịch kính ngay sau khi đặt thủy tinh thể nhân tạo.
Biện pháp chăm sóc mắt cho trẻ sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật cha mẹ cần quan tâm chăm sóc và đưa trẻ đi khám theo dõi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ:
- Thường sau phẫu thuật, trẻ cần phải đeo kính hoặc kính áp tròng giúp trẻ có tầm nhìn tốt hơn và bảo vệ mắt.
- Trong khoảng 12-24h sau phẫu thuật trẻ có thể bị đau và cần dùng thuốc nhỏ mắt mỗi 2-4h/ lần để chống nhiễm trùng.
- Sau phẫu thuật cần bịt mắt và tập luyện để điều trị nhược thị
Đặc biệt cần lưu ý việc chăm sóc cho trẻ, không để nước bẩn hoặc dầu gội bắn vào mắt trẻ. Ngoài ra để tránh dụi mắt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi có thể bác sĩ sẽ băng mắt để bảo vệ cho trẻ.