Thoái hóa võng mạc là bệnh mắt nguy hiểm, gây suy giảm thị lực trầm trọng và có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, bệnh lại diễn tiến chậm và khó phát hiện nên người bệnh thường chủ quan. Do đó, tìm hiểu triệu chứng nhận biết bệnh thoái hóa võng mạc, cách điều trị và phòng ngừa là việc làm cần thiết.
Thoái hóa võng mạc là gì?
Thoái hóa võng mạc (Retinal Degeneration) là quá trình suy thoái, tổn thương của lớp tế bào võng mạc trong mắt do nhiều nguyên nhân từ các yếu tố, bệnh lý bên trong cơ thể và các tác nhân gây hại từ bên ngoài thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra sớm và nhanh hơn(1).
Bệnh thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi và người bị tật cận thị, đái tháo đường hoặc tăng huyết áp. Bệnh có diễn tiến âm thầm và tàn phá thị lực theo thời gian, thông thường bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân khám kiểm tra đáy mắt với đồng tử (con ngươi) đã được nhỏ thuốc giãn ra.
Do đó, để phát hiện sớm thoái hóa võng mạc, người có tật cận thị, đái tháo đường, tăng huyết áp và người lớn tuổi nên đi khám định kỳ để được soi đáy mắt kiểm tra (3-6 tháng/ lần).
Căn bệnh này là nguyên nhân chính gây mù lòa ở người cao tuổi
Bệnh thoái hóa võng mạc có nguy hiểm không?
Nếu như nguyên nhân làm mất thị lực, mù lòa do chấn thương, viêm nhiễm chỉ chiếm 10% nhưng lại được quan tâm giải quyết sớm thì những triệu chứng như nhìn mờ, đau nhức, đục mắt, giảm hay mất thị lực trung tâm hoặc không thể nhìn xa, nhìn rõ… thường xuyên bị bỏ qua.(2)
Trong các bệnh lý võng mạc, thoái hóa võng mạc là bệnh lý phổ biến, chiếm tỉ lệ cao và chính là “thủ phạm” gây mù lòa phổ biến nhất. Bệnh thường tiến triển từ từ và làm mất thị lực không hồi phục.
Theo Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương (Bộ Y Tế), thoái hóa hoàng điểm võng mạc là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến ở cao tuổi, trong đó có đến 82% là do phát hiện trễ, chậm khắc phục.
Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, đối với bệnh võng mạc do tổn thương và liên quan đến các bệnh lý nội khoa, cần hạn chế, tránh các yếu tố bên ngoài làm hại mắt và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, hỗ trợ cải thiện tốt các bệnh lý, tránh biến chứng lên mắt.
Riêng đối với bệnh thoái hóa võng mạc, cần có biện pháp chăm sóc từ bên trong bằng dưỡng chất chuyên biệt để làm chậm quá trình thoái hóa võng mạc, hỗ trợ ngăn ngừa suy giảm thị lực, mù lòa.
Một số biến chứng thoái hóa võng mạc
Thoái hóa võng mạc nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến việc khắc phục trở nên tốn kém và tăng nguy cơ mù lòa:
- Xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính: Người bị thoái hóa võng mạc do tiểu đường có thể gặp biến chứng xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, do sự dày lên của nền mao mạch và tế bào nội mô, dẫn đến tế bào RPE tạo ra yếu tố kích thích hình thành tân mạch, khi các tân mạch vỡ sẽ gây ra hiện tượng xuất huyết.
- Phù hoàng điểm: Sự xuất tiết xuất huyết trên võng mạc làm máu, dịch, chất cặn bã bị dồn ứ, lắng đọng gây phù vùng hoàng điểm.
- Bong tróc võng mạc: Các tân mạch sau khi vỡ sẽ lành lại, tạo thành sẹo, quá trình hình thành các mảng sẹo kéo các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc ra khỏi mao mạch, khiến võng mạc bị bong. Từ đó làm cho mắt người bệnh mất khả năng cảm nhận màu sắc thậm chí mất thị lực hoàn toàn.
Các loại thoái hóa võng mạc thường gặp
Thoái hóa võng mạc có 2 thể, gồm thể khô và thể ướt. Dù xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, song cả 2 thể của thoái hóa võng mạc đều để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng về thị lực.(3)
Thoái hóa võng mạc khô
Là bệnh thoái hóa võng mạc thường gặp (chiếm 90%). Bệnh do những tế bào nhạy sáng ở hoàng điểm dần bị phá vỡ khiến thị lực trung tâm của mắt bị mờ dần. Trường hợp thoái hóa nặng, thị lực trung tâm sẽ xuất hiện vết mờ.
Thoái hóa võng mạc ướt
Bệnh do các mạch máu bất thường nằm sau võng mạc (mô nhạy cảm ánh sáng nằm ở đáy mắt) bắt đầu phát triển. Các mạch máu mới này thường dễ vỡ, dẫn đến rỉ máu trong hoàng điểm. Đây là nguyên nhân dẫn đến mất thị lực về sau. Biểu hiện là mắt nhìn đường thẳng thành ra các đường lượn sóng.
Nguyên nhân gây thoái hóa võng mạc
Tế bào võng mạc, cụ thể là tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) là lớp tế bào duy nhất có khả năng tiếp xúc với các tế bào thần kinh thị giác. Do đó, toàn bộ việc nuôi dưỡng các tế bào thị giác đều do RPE đảm nhiệm.
Song song đó, tế bào võng mạc còn làm nhiệm vụ hấp thụ tia cực tím và các chất gây hại sản sinh ra trong các phản ứng oxy hóa, từ đó bảo vệ các tế bào thần kinh thị giác. Khi tế bào biểu mô sắc tố võng mạc bị suy thoái, các tế bào thị giác sẽ không được bảo vệ, dẫn đến teo, chết khiến thị lực suy giảm.
Hoàng điểm là nơi tập trung nhiều tế bào thị giác được nuôi dưỡng bởi các tế bào võng mạc.
Thoái hóa võng mạc chu biên do cận thị
Võng mạc chu biên là vùng ở xa nhất của võng mạc và không ảnh hưởng nhiều đến thị lực vùng trung tâm tuy nhiên lại hạn chế khả năng nhìn bao quát của mắt. Cận thị là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thoái hóa võng mạc chu biên.
Ở người cận thị nặng, nhãn cầu phình ra, trục nhãn cầu giãn kéo võng mạc chu biên bị giãn theo, làm teo võng mạc. Do đây là khu vực ít được tưới máu nên dễ bong và rách dẫn đến mù lòa hoàn toàn nếu không phát hiện sớm.
Thoái hóa võng mạc bẩm sinh
Thoái hóa võng mạc, là một bệnh bẩm sinh di truyền theo dòng mẹ. Bệnh có tính di truyền lặn với đặc điểm tiến triển rất chậm. Các triệu chứng thường xuất hiện ở tuổi thiếu niên, đến độ tuổi 30 thị lực sẽ giảm nhiều, đến 40-50 tuổi thị trường (vùng khoảng không mà mắt bao quát được) thu hẹp thành hình ống, bệnh nhân đi lại khó khăn kể cả ban ngày, thị lực cũng giảm sút nhiều, có thể mất thị lực hoàn toàn khi về già.
Một số nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân gây nên bệnh thoái hóa võng mạc, trên, trong y khoa còn phân loại thoái hóa võng mạc thành 2 nhóm(4):
- Bệnh thoái hóa võng mạc không tăng sinh
Xảy ra khi lương lượng máu đến nuôi tế bào võng mạc xuất hiện những bất thường, bao gồm: mạch máu bị phá hủy, võng mạc bị tổn thương trực tiếp và mạch máu tắc bị tắc nghẽn.
Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trên thường là: trẻ sinh non, yếu ớt gặp tổn thương võng mạc ngay từ khi mới sinh ra, y học gọi là bệnh võng mạc do sinh non; người bị tăng huyết áp, hồng cầu liềm, xơ vữa động mạch, làm giảm lưu lượng máu, hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn, thiếu máu cục bộ đến nuôi dưỡng tế bào võng mạc. Ngoài ra người điều trị khối u vùng đầu, mặt bằng phương pháp xạ trị có thể chịu biến chứng dẫn đến tổn thương võng mạc.
- Bệnh thoái hóa võng mạc tăng sinh
Xuất phát từ sự dày lên của nền mao mạch cũng như sự gia tăng của các tế bào nội mô làm cho mao mạch bị tắc nghẽn dẫn đến thiếu oxy ở võng mạc. Lúc này các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) sẽ tiết ra yếu tố làm tăng sinh thêm các mạch máu mới (tân mạch).
Tuy nhiên, các tân mạch thường mỏng, yếu, dễ vỡ trước áp lực máu dẫn đến xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, phù hoàng điểm, thậm chí gây mù cấp tính.
Nguyên nhân gây võng mạch tăng sinh thường có liên quan đến bệnh tiểu đường, sự gia tăng đường huyết sẽ làm dày màng mao mạch kéo theo một loạt các quá trình ở trên.
Theo GS.TS Đỗ Như Hơn: “tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài ở bệnh nhân tiểu đường không những làm tổn thương các mạch máu lớn nuôi tim, não… (thường gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim), mà còn tàn phá các mạch máu nhỏ, đặc biệt là hệ thống mao mạch trên võng mạc, gây ra 4 tổn thương võng mạc điển hình dễ dẫn đến suy giảm thị lực, mù lòa là xuất tiết, xuất huyết võng mạc; xuất huyết dịch kính; bong võng mạc và nặng nề nhất là phù hoàng điểm.”